Như vậy thì tình yêu chân thật là gì? Điều gì là tiêu chuẩn cho Cơ đốc nhân trong lãnh vực tình yêu?
Bản chất của tình yêu chân chính cao hơn cảm xúc, hơn sự hấp dẫn về xác thịt và tình dục, hơn tất cả mọi sự, mọi tình huống mà chúng ta có thể liên tưởng đến khi nghĩ đến tình yêu. Tình yêu chân chính bao gồm những phẩm chất đạo đức. Phaolô định nghĩa tình yêu cách đơn giản và hùng hồn trong I Cô-rinh-tô 13:4-8
“Tình yêu hay nhẫn nại và nhân từ, tình yêu không ghen tị, không khoe mình hoặc kiêu căng; tình yêu không khiếm nhã, không ích kỷ không nhạy giận, tình yêu không nhớ mãi những lỗi lầm; tình yêu không vui vì điều ác; nhưng vui trong sự thật. Tình yêu không bao giờ bỏ cuộc; niềm tin hi vọng và sự kiên nhẫn của tình yêu không bao giờ mất đi. Tình yêu trường tồn bất diệt. [1]
Điều mà Phaolô đặt ra cho chúng ta hoàn toàn khác với ý niệm về tình yêu của thế gian. Trong khi thế gian xem tình yêu là một nỗi đam mê ngự trị con người và phải được thỏa mãn bằng mọi giá thì Thánh Kinh cho thấy rằng tình yêu phải được kềm chế, khép vào kỷ luật và biết chờ đợi. Tình yêu đặt nặng hạnh phúc và lợi ích của người khác cho nên tình yêu độ lượng và hữu ích. Tình yêu không hề khoe khoang về thành tích xác thịt hay quyền lực chế ngự ai vì tình yêu không bao giờ mắc sai phạm lợi dụng người khác. Tình yêu rất đứng đắn, thận trọng và chính chắn.
Tình yêu chân chính tôn trọng nhân cách và quyền lợi của người được yêu. Tình yêu không xử sự khiếm nhã hay làm bất cứ điều gì khiến người khác phải “xấu hổ đỏ mặt”. Tình yêu hướng đến sự chân thật và trong sáng. Sự mập mờ và giả tạo là những khái niệm hoàn toàn xa lạ trong tình yêu. Khi gặp khó khăn và những rắc rối trong cuộc sống, tình yêu càng trở nên vững vàng, không sụp đổ hay thối lui. Ngược lại, tình yêu gắn liền với niềm tin và hy vọng. Đây chính là loại tình yêu Đức Chúa Trời muốn chúng ta có trong mối tương quan giữa chúng ta với Ngài và những người xung quanh. Đây cũng là loại tình yêu đưa đến những cuộc hôn nhân tốt đẹp, tràn đầy hạnh phúc qua năm tháng.
Nhưng tình yêu như vậy thì không đến dễ dàng. Phẩm chất của tình yêu mà Phaolô mô tả chỉ có thể đến từ thiên thượng. Tình yêu của con người thường hướng về những ham muốn ích kỷ của xác thịt và những dục vọng tối tăm. Tình yêu ấy cần được phục hồi và thanh tẩy bởi quyền năng của Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Điều nầy đòi hỏi chúng ta phải đến với Chúa một cách cá nhân, nhận biết rằng tội lỗi đã phá hỏng cuộc đời mình và thừa nhận chúng ta là những con người không xứng đáng.
Trong Đấng Christ, cho dù cuộc sống có thể vẫn ngắn ngủi và đầy khó khăn, nhưng vô cùng sống động và tự do. “Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do” (Giăng 8:36). Tự do khỏi sự giả tạo, tự do khỏi tội lỗi, tự do khỏi sự sợ hãi bên trong và bên ngoài. Chúng ta được tự do là chính mình, tự do làm điều tốt và tự do yêu mọi người xung quanh.
Đây là lời làm chứng của Evelyn sau khi cô đã tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa của đời mình. Cô viết: “Sau khi tin Chúa năm 14 tuổi, đời sống Cơ đốc hữu danh vô thực của tôi cứ trôi theo những cơn lốc của các sinh hoạt trong Hội Thánh. Tôi cũng phải giữ cho cái mác tôn giáo của tôi không bị ô nhiễm với ”những bọn nhơ của thế gian". Hội Thánh của tôi rất khắc khe trong sự dạy dỗ, và chúng tôi, những người trẻ, phải luôn ở bên trong những rào cản để giữ cho nếp sống được ngay thẳng và đứng đắn. Nghĩa là có rất nhiều điều cấm kỵ đối với chúng tôi.
“Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng một tín hữu được đánh giá trên những gì người ấy làm hay không làm, bất kể nội tâm người đó ra sao. Riêng tôi, tôi được xem là có “triển vọng" nhưng trong thâm tâm, tôi chẳng hơn gì thứ rác rưởi. Tôi rất tự phụ, cứng cỏi và kiêu hãnh. Ngợi khen Chúa vì Ngài không để mặc tôi trong tình trạng ấy mãi mãi.
“Lúc tôi đang học năm thứ nhất đại học, một kỳ trại của Đoàn Sinh Viên đã thay đổi toàn bộ quan điểm Cơ đốc của tôi. Chính Đấng Christ, chứ không phải Hội Thánh, là Chủ của đời sống tôi. Ngài muốn chỉnh đốn lại hệ thống tư tưởng, thái độ, hành vi và nguyên tắc của tôi. Và nếu tôi bước xuống khỏi ngai lòng của mình, Ngài sẽ sẵn sàng kiểm soát hoàn toàn.
“Tôi thấy mình thật sự cần một sự tẩy thanh toàn bộ con người bên trong. Tôi cần được Chúa Jêsus sắp xếp lại những gì rời rạc, chắp vá trong tôi lại thành một con người hài hòa và toàn vẹn. Tôi đã quá mệt mỏi khi phải luôn sống trong giả dối.
“Cuối cùng, vào một buổi sáng lạnh giá, trong giờ Tĩnh Nguyện của Trại, tôi xin Chúa Jesus hãy chiếm hữu tôi. Từ đó trở đi, và mãi mãi, Ngài không những chỉ là Cứu Chúa mà còn là Chủ Tể của đời sống tôi. Như ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua đám mây, một tia vui mừng chiếu sáng tâm hồn tôi. Sự chiếm hữu của Chúa là một sự giải thoát diệu kỳ đối với tôi”.
Chúa Jesus Christ không phải chỉ là một nhân vật tôn giáo khác thường. Ngài là Con Đức Chúa Trời. Cái chết của Ngài trên Thập Tự Giá phục hồi mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, cũng là Chúa của sự sống và tình yêu. Rồi Ngài đã sống lại từ trong cõi chết để ban cho những người đáp lại lời kêu gọi của Ngài một sự sống sâu nhiệm, giá trị và đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta phải đến với Chúa với lòng ăn năn và giải quyết mọi sự với Ngài cách cá nhân. Trước hết chúng ta cần phải thưa rằng: “Lạy Chúa, con cần Ngài. Con là một tội nhân. Xin làm chủ cuộc đời con”. Sự chân thành ấy sẽ làm đẹp lòng Cứu Chúa, Đấng đã hứa: “Phàm những kẻ Cha cho Ta sẽ đến cùng Ta, kẻ đến cùng Ta thì Ta không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6:37).
Lời làm chứng của Evelyn cho thấy rằng tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm chủ cuộc đời có nghĩa là công nhận rằng chính Ngài có toàn quyền trên mọi lãnh vực của đời sống chúng ta. Đó là sự ý thức rằng thân thể, tâm linh, ý chí, tình cảm và trí tuệ của chúng ta đều thuộc về Ngài, và mối tương quan ấy phải được đặt dưới sự điều động của Ngài. Phaolô đã kêu gọi điều này đối với Cơ đốc nhân trong Rôma 12:1 khi ông viết: “Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em”.
Khi nghĩ về những điều Chúa đã làm cho chúng ta, đòi hỏi nầy có quá đáng không?
Thừa nhận chủ quyền của Đấng Christ có nghĩa là tình nguyện phó thác bản ngã và những gì thuộc về chúng ta cho Ngài. Chúng ta có quyền lựa chọn, nhưng chúng ta biết chắc rằng Đấng Christ cai quản đời sống chúng ta tốt đẹp hơn chúng ta nhiều, cho nên chúng ta hãy giao quyền tể trị cho Ngài. Như Evelyn đã diễn tả - bước xuống khỏi ngai lòng để Ngài có thể kiểm soát hoàn toàn.
Chúng ta hãy ghi nhớ điều này:
Mối quan tâm của Đấng Christ đối với chúng ta không phải chỉ gói gọn trong sự cứu rỗi linh hồn. Ngài còn chú ý đến sự phát triển nhân cách chúng ta ngay từ bây giờ - sự triển khai tâm trí, chế ngự tình cảm, rèn luyện ý chí và phong cách chúng ta đối xử với tha nhân. Ngài lo lắng đến gia đình, nghề nghiệp và công việc của chúng ta. Ngài biết chúng ta cần yêu và cần được yêu. Ngài hiểu, cảm thông những thôi thúc tình dục trong chúng ta. Ngài thấy được ước muốn có người bạn đời của chúng ta. Và Ngài có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta cách dư dật
0 Comments