Có phải giá trị " Tiền bạc " là quan trọng nhất !?

Để học biết cách sống bằng đức tin trong lãnh vực tài chánh, chúng ta phải nhờ cậy vào một nguồn thông tin bên ngoài, chứ không chỉ dựa vào nhận định riêng của mình về các hoàn cảnh. Điều đó cũng giống như điều khiển một chiếc máy bay bằng thiết bị chỉ dẫn. Quang cảnh phía trước nhiều khi âm u và mù mịt, nhưng chúng ta cứ làm đúng chỉ dẫn và theo đúng hướng thông tin. Nguồn thông tin bên ngoài đó chính là Lời Chúa.

Lời Của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta rất nhiều nguyên tắc hướng dẫn các lãnh vực về tài chánh của chúng ta. Những lẽ thật nầy đều là những nền tảng, dầu cho bạn đang có một công việc thuộc giới làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hoặc bạn đang lao mình vào các chức vụ hầu việc tiên phong.

Nguyên Tắc Thứ I. Đừng Lo Lắng Về Tiền Bạc

Một trong các mạng lệnh đầu tiên của Kinh Thánh là chớ lo lắng. Mạng lệnh đó cũng dứt khoát như mạng lệnh chớ trộm cắp hoặc chớ phạm tội tà dâm.

Chúa Giê-xu bảo chúng ta đừng lo lắng về tiền bạc trong Bài Giảng Trên Núi của Ngài. Những gì chúng ta được dạy bảo và những gì chúng ta không được dạy về lời nói và việc làm của Chúa Giê-xu đều được truyền dạy cách thiêng liêng.

Bạn hãy suy nghĩ đến tất cả những điều ác của thế gian mà Chúa Giê-xu đã cảnh cáo chúng ta. Lẽ ra Ngài có thể kêu gọi chúng ta lưu ý đến những lỗi lầm thông thường và những thất bại phổ biến của con người hoặc con số của những nỗi đau trên thế giới nầy. Nhưng Ngài lại tập trung vào nỗi bận tâm và lo lắng của chúng ta về tiền bạc.

Có lẽ bạn hiện đang đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chánh. Hãy lắng nghe lời Chúa Giê-xu phán mà trước đây bạn chưa hề nghe: “Vậy nên ta phán cùng các ngươi:  
Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống, cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quý trọng hơn đồ ăn sao? Thân thể há chẳng quý trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời, chẳng có gieo gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quý trọng hơn loài chim sao? Vả lại trong các ngươi có ai lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không? Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những loài hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào, chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ, nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu cũng không được mặc áo tốt như một loài hoa nào trong giống đó. Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi. Ấy vậy các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.

Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy (Ma-thi-ơ 6:25-34).

Có một người đã tóm gọn khúc Kinh Thánh trên như vầy “lo lắng là niềm tin đặt nơi ma quỉ”. Hãy đọc Thi Thiên 37: sứ điệp chủ chốt của đoạn Kinh Thánh đó là chớ lo lắng về tiền bạc. Trong đoạn nầy có 3 lần lập lại câu “Chớ phiền lòng!” Trong câu 8 cũng nói sự lo phiền đó chỉ dẫn đến điều ác.

Dầu cho các mối lo của bạn về mặt tài chánh là hậu quả của một điều gì đó ở ngoài tầm kiểm soát của bạn như tình trạng kinh tế hoặc tình trạng giảm lao động, hay do hậu quả của điều bạn đã làm, như quá lạm dụng thẻ tín dụng, thì mạng lệnh Kinh Thánh vẫn không thay đổi. Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho bạn những bước nào cần phải thực hành để vượt qua mớ rối nùi của bạn về lãnh vực tài chánh. Hoặc bạn cũng cần tìm những lời khuyên trong lãnh vực nầy và thực hiện các bước ăn năn và bồi hoàn nếu như nan đề tài chánh của bạn bắt nguồn từ việc lạm dụng tiền bạc hoặc do thiếu khôn ngoan. Song bạn không được lo lắng. Lo lắng chỉ dẫn đến thái độ và hành động sai quấy.

Việc chọn lựa để không lo lắng nữa đòi hỏi nhiều đến sức mạnh của ý chí giống như viên phi công phải nhờ vào bảng thiết bị hướng dẫn thay vì dựa vào những cảm nhận của chính mình lúc bay qua đám mây mù.

Nguyên Tắc Thứ 2. Đặt Đúng Các Ưu Tiên

Chúng ta phải trước hết tìm kiếm Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Điều nào giữ vị trí cao nhất trong tâm trí chúng ta thì điều đó sẽ làm hao tổn nhiều sức lực và thì giờ của chúng ta hơn hết. Và đó sẽ là nền tảng của các quyết định của chúng ta và cũng sẽ là điều kích động chúng ta hơn hết. Nếu thành thật, chúng ta sẽ thừa nhận rằng tiền bạc nhiều lúc giữ vị trí ưu tiên số một trong đời sống chúng ta chứ không phải Đức Chúa Trời và Nước Ngài.

Nếu Chúa đang nằm đúng vị trí của Ngài trong tấm lòng của chúng ta, chúng ta sẽ không bị gây ấn tượng quá mạnh mẽ đối với tiền bạc. Khi có tiền hay không có tiền, mắt chúng ta vẫn cứ chăm xem Chúa chứ không nhìn vào sổ thu chi của mình.

Thông thường mức độ lo lắng chúng ta bày tỏ qua tiền bạc cho thấy chúng ta đã đặt các giá trị ưu tiên của mình ở đâu.

Nguyên Tắc Thứ 3. Hãy Chuyên Tâm và Có Tinh Thần Trách Nhiệm

Phải tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết, tuy nhiên như vậy không có nghĩa là chúng ta phải vô trách nhiệm về mặt tài chánh. Chúa dạy chúng ta phải biết chắc và biết rõ cảnh trạng của bầy chiên mình (Châm-ngôn 12:24). Mỗi người đều phải làm lụng và lo chăm sóc các nhu cầu riêng của chính mình (I Tes 4:11-12; II Tes 3:10).

Hãy nhớ điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn: Chúng ta thường chỉ chú trọng vào một khía cạnh của điều răn nầy, đó là giữ ngày Sa-bát. Nhưng cũng không được quên một nửa phần còn lại của mạng lệnh nầy: Ngươi hãy làm việc trong sáu ngày.

Một số người cho rằng làm lụng là một sự rủa sả và rằng chúng ta sẽ sung sướng hơn nếu như không phải làm việc. Khi Đức Chúa Trời bảo A-đam rằng ông phải làm việc để trồng ra lúa gạo mà có bánh ăn, thì đó không hoàn toàn là một sự rủa sả. Lòng khao khát muốn được hữu dụng đã trồng sâu trong mỗi người chúng ta, vì thế vô dụng mới thật là một sự rủa sả. Chúng ta cần phải làm việc và làm việc cần mẫn. Sau đó Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho công việc của tay chúng ta.

Kinh Thánh cũng dạy chúng ta phải có trách nhiệm với gia đình của mình. Chăm sóc gia đình hiện tại của mình và các bậc cha mẹ lớn tuổi của chúng ta (I Tim 5:4). Cách mỗi người chăm lo đến các trách nhiệm về mặt tài chánh đều khác nhau, bởi vì Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi người cách riêng biệt và trang bị mỗi người độc đáo theo sự kêu gọi của người ấy. Nhưng chúng ta đừng trốn tránh trách nhiệm của mình.

Nguyên Tắc Thứ 4. Đầu Tư Tiền Bạc và Nhìn Xem Nó Phát Triển

Chúa Giê-xu cho chúng ta câu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng. Thí dụ đó giải tỏ rõ ràng rằng chúng ta có bổn phận làm hết sức điều mình có thể làm để thực hiện những cuộc đầu tư khôn ngoan. Tiền bạc của chúng ta phải được sử dụng và nẩy nở ra, đem lại phước hạnh cho nhiều người, chứ không được cất giấu đi. Tuy nhiên phải cẩn thận một điều: Việc nầy không nhất thiết nhằm vào sự phát triển giàu có tiền bạc. Tài chánh có thể được kể vào, nhưng có những vấn đề khác quan trọng hơn. Tâm tánh của chúng ta có tăng trưởng không? Nước của Đấng Christ trên đất có được phát triển không? Tăng trưởng là một nguyên tắc của sự sống. Một công ty hoặc một cuộc đầu tư cũng có thể bày tỏ ra ân điển của sự sống và sự nhân bội của Đấng Christ.

Nguyên Tắc Thứ 5. Hãy Rộng Rãi

Mỗi một Cơ Đốc nhân đều phải rộng rãi. Đó là một phần của những thay đổi đã diễn ra trong bản chất của chúng ta khi chúng ta trở nên những tạo vật mới trong Đấng Christ.

Lý do đầu tiên chúng ta phải rộng rãi là để bày tỏ với Chúa lòng biết ơn và tình yêu chúng ta dành cho Ngài. Chúng ta không thể gởi các ngân phiếu đến thiên đàng, đề tên Chúa Giê-xu, nhưng cách duy nhất chúng ta có thể làm cho Ngài đó là ban cho người khác. Bởi vì, việc dâng hiến là một hình thức thờ phượng.

Một trong những cách căn bản nhất để dâng hiến cho Chúa là phần mười, tức là mười phần trăm thu nhập của bạn. Đây là một mạng lệnh trực tiếp. Việc dâng phần mười là điều bình thường đối với mỗi một người theo Chúa trong thời Cựu ước từ trước khi có luật pháp (Sáng- thế-ký 14:20) và Chúa Giê-xu đã tỏ rõ rằng việc dâng phần mười phải được tiếp tục giữ không được bỏ qua (Ma-la-chi 23:23).

Tuy nhiên việc dâng phần mười không làm cho chúng ta rộng rãi. Nếu chúng ta chỉ dâng mười phần trăm, thì điều đó khiến chúng ta khá hơn tên ăn trộm được một phần trăm. Lời Chúa cho chúng ta thấy Ngài coi mười phần trăm là tài sản của Ngài, và bất cứ số lượng nào kém hơn đều bị xem là ăn trộm của Ngài (Ma-la-chi 3:8,9 và Lê-vi-ký 27:30-32).

Phần mười chỉ là một sự nhắc nhở để chúng ta nhớ rằng Ngài sở hữu mọi sự, Ngài là một phẩn trăm của mọi nguồn cung cấp, Đức Chúa Trời phán rằng bạc và vàng đều là của Ngài (A-ghê 2:8) và rằng đất và mọi vật thuộc về đất đều là của Ngài (Thi-thiên 24:1). Theo Lời Chúa thì chúng ta không sở hữu điều gì hết. Bất cứ điều gì chúng ta có đều chỉ là mượn của Chúa và chúng ta chịu trách nhiệm để sử dụng cách khôn ngoan cho mục đích của Ngài.

Đó là lý do vì sao khuôn mẫu dâng hiến của Tân ước vượt quá phần mười, sự rộng rãi thậm chí cũng chưa thành hình cho đến khi chúng ta vượt qua khoản phần mười tối thiểu của thời Cựu ước.

Lời Chúa tuyên bố rằng toàn bộ tài chính của chúng ta đều bị rủa sả nếu chúng ta không dâng phần mười (Ma-la-chi 3:9).

Nếu sự rộng rãi của Tân ước vượt quá số lượng tối thiểu của phần mười, thì bạn phải dâng bao nhiêu đây? Bạn làm sao để biết khi nào thì phải đáp ứng cho một nhu cầu và khi nào phải để dành tiền để giải quyết các trách nhiệm của bạn về mặt tài chánh. Nguyên tắc của Tân ước thật là đơn giản: Mọi điều bạn sở hữu và mọi điều bạn có, đều thuộc về Đức Chúa Trời. Và giống như Chúa Giê-xu, bạn phải cầu hỏi sự chỉ dẫn của Đức Chúa Cha trong mọi sự. Bạn chỉ cần nói “Lạy Chúa, con đây. Và đây là tất cả tiền bạc của con. Ngài muốn con làm gì?”. Hãy vâng lời Chúa. Sự dâng hiến trong Tân ước đặt nền tảng trên sự đầu phục hoàn toàn. Hãy lắng nghe tiếng Chúa và thuận phục bất cứ điều gì Ngài bảo bạn làm, rồi sau đó hãy tin cậy Ngài để làm điều bạn không thể làm.
Tags: , ,

About author

Hy vọng các bạn ủng hộ cho blog Fishers Of Men và những đóng góp của các bạn trong các bài đăng có thể để vào phần comment phía dưới mỗi bài đăng. Xin chân thành cảm ơn các bạn. Chúa ban phước cho các bạn.

Nhập email của bạn:

*Xin vui lòng bấm vào liên kết xác nhận gửi trong thư mục Thư rác của Email*