Ta là Ðức Giê-hô-va; ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn trọng ta cho những tượng chạm! (Ê-sai 42:8)
Trong lịch sử loài người, có những nền văn minh đã từng phát triển đến mức cực thịnh nhưng sau đó sụp đổ một cách rất bất ngờ đến mức biến mất hoàn toàn, thậm chí không để lại gì cho hậu thế. Các nhà khoa học đã đi tìm nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của các nền văn minh một thời hùng mạnh thuở xưa đó.
Sự sụp đổ của nền văn minh Maya (theo BBC)
Nền văn minh da đỏ Maya đã biến mất hơn một nghìn năm trước, chỉ còn để lại những dấu tích là các kim tự tháp, hệ thống chữ viết riêng, những thành phố hoang phế không người bị bỏ rơi trong các rừng rậm Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Người bộ lạc Maya đã phát triển mạnh trong gần 2.000 năm. Không sử dụng các công cụ bằng kim loại mà họ đã xây dựng những công trình lớn bằng đá. Họ cũng có những nghiên cứu khoa học, biết tính chính xác một năm 365 ngày theo lịch mặt trời, một trong số ít di vật sách Maya cổ đại có chứa các bảng của nhật thực. Họ còn xây đài thiên văn để theo dõi vận hành của các ngôi sao.
Họ đã phát triển toán học của mình, bằng cách sử dụng hệ đếm 20, và đã có khái niệm về số không. Họ cũng đã có hệ thống chữ viết riêng. Nền văn minh này được cho là đã ổn định và phát triển cực thịnh trong một khoảng thời gian 400 năm.
Xã hội Maya đã từng rất sôi động, nhưng cũng có thể là đã rất tàn bạo. Con người đã bị đem làm vật hy sinh tế thần. Các thầy cúng dốc ngược người bị đem tế thần đó để cắt lấy trái tim mà cúng tế những vị thần mà họ cho là rất cần máu của con người.
Đống đổ nát còn lại của nền văn hóa Maya ở Mexico
Người Maya tế thần
Trong thế kỷ thứ chín, thế giới Maya đã bị đảo lộn. Nhiều trung tâm lớn như Tikal bị bỏ hoang. Những ngôi chùa để cúng bái và cung điện một thời gian ngắn đã trở thành nơi cư trú cho các con thú. Khi họ bị bỏ rơi, Tikal bị phá hủy vĩnh viễn, và nền văn minh Maya không bao giờ hồi phục được nữa. Chỉ một phần nhỏ của người Maya sống sót để lại phải đối mặt với quân đội Tây Ban Nha trong thế kỷ 16.
Đền thờ Tikal của người Maya
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ đã tìm kiếm một giải thích về sự sụp đổ Maya. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, như chiến tranh, xâm lược, di dân, bệnh tật và thiếu thức ăn. Nhiều người cho rằng sự thật có thể là kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Châu Mỹ, họ đã có những bằng chứng cho thấy nguyên nhân của sự tàn phá Maya là hạn hán.
Ban đầu, lý thuyết này được đưa ra bởi nhiều kinh nghiệm và thông tin gián tiếp trong lịch sử, khi ghi chép kể lại rằng người dân khu vực này trong một đợt hạn hán kéo dài vài năm đã từng bỏ chạy khỏi khu vực và cầu cứu người Tây Ban Nha vì “họ sợ rằng cái chết khủng khiếp mà họ đã thấy thường xuyên trong quá khứ đã lặp lại một lần nữa”. Sau này, khi các nhà khoa học đã lấy mẫu bùn trong đáy hồ Chichancanab trong khu vực Yucatan của Mexico, và nghiên cứu các lớp bùn lắng đọng được tạo nên sau hàng ngàn năm có ghi lại dấu ấn của thời kỳ hoặc mưa hoặc hạn hán, họ đã phát hiện ra một lớp bùn từ thế kỷ thứ 9 đã cho thấy có một thời gian khô hạn nhất trong suốt lịch sử khoảng 6000 năm. Các kết quả tương tự cũng được tìm thấy khi nghiên cứu lớp bùn lắng đọng trong vùng vịnh Ca-ri-bê, cho thấy rằng đã có ba đợt hạn hán dài xảy ra trong thế kỷ thứ chín, trùng hợp với thời gian người Maya bỏ chạy khỏi các thành phố của mình. (Q.H. sưu tầm và lược dịch từ BBC)
Những nghiên cứu mới về sự sụp đổ của thành phố Angkor
(theo VNexpress.net)
Một trận hạn hán kéo dài, kết thúc bằng những cơn gió mùa khắc nghiệt đã phần nào đó hủy hoại cơ sở hạ tầng trữ nước, dẫn tới sự sụp đổ của thành phố cổ Angkor, thủ phủ và cũng là trung tâm chùa chiền thờ cúng của Đế chế Khmer hồi thế kỷ 15.
Các chuyên gia cho rằng việc khan hiếm nước đóng một vai trò nhất định trong sự sụp đổ củaAngkor. Và bảng niên đại vân cây đầu tiên ở châu Á đã mang tới sự ủng hộ mạnh mẽ đối với suy đoán này. Nó cho thấy, hạn hán kéo dài suốt nhiều thập niên có thể đã làm kiệt quệ khả năng chống chịu của thành phố.
Theo báo cáo mới của nhóm nghiên cứu Mỹ và châu Á đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các cơn gió mùa sau đó đã làm hệ thống kênh đào chằng chịt của Angkor ngập ngụa bùn và vôi gạch đổ nát (như các nhà nghiên cứu khác từng khám phá trước đây), gây suy yếu khả năng cung cấp đủ nước cho gần 1 triệu cư dân sống rải rác quanh một khu vực có diện tích tương đương thành phố Los Angeles hiện đại ngày nay.
Bảng niên đại mới dựa trên việc xác lập ngày tháng theo vân cây, bắt đầu ở Tây nam Mỹ - một cách thức có độ chính xác cao để lần tìm điều kiện khí hậu trong hàng trăm năm. Các cây sản sinh ra một vòng sinh trưởng mới dưới lớp vỏ mỗi năm. Trong những năm ẩm ướt, các vòng vân cây thường lớn hơn những thời điểm khô hạn. Kiểu đặc trưng của các vân cây cho phép so sánh giữa các cây và cung cấp thời điểm chính xác cho những sự kiện lịch sử.
Trong nghiên cứu này, nhà khoa học Brendan M. Buckley thuộc Đài Thiên văn Trái đất của Đại họcColumbia cùng các đồng nghiệp của ông đã sử dụng những lõi lấy từ một loại cây bách có tên gọi Fokienia hodginsii. Các cây lưu niên này đã được nghiên cứu tại vương quốc gia Bidoup Núi Bà của Việt Nam, địa điểm đủ gần Campuchia để có cùng kiểu khí hậu.
Nhóm nghiên cứu đã soạn thảo một bảng niên đại từ năm 1250 sau Công nguyên tới năm 2008. Họ phát hiện ra rằng, từ giữa cho tới cuối những năm 1300, tình trạng khô hạn dai dẳng, tiếp sau bằng nhiều năm gió mùa mạnh bất thường, có thể đã hủy hoại cơ sở hạ tầng của Angkor. Một trận hạn hán ngắn hơn nhưng nghiêm trọng hơn vào đầu những năm 1400 sau đó có thể đã mang tới hồi chuông báo tử cho thành phố.
Những hình ảnh đống đổ nát của Angkor Wat - kinh đô một thời đã bị khuất phục bởi cây và cỏ dại.
Phần lớn các nhà sử học đánh dấu sự sụp đổ của Angkor vào năm 1431, khi quân đội Xiêm tiến chiếm thành phố. Rừng già từng bao phủ Angkor và người ta không nhìn thấy nơi này cho tới khi các nhà nhân chủng học người Pháp tái phát hiện ra thành phố trong những năm 1860. Tuy nhiên, mãi hơn chục năm trở lại đây, các hình ảnh chụp từ không gian mới cho thấy phạm vi của Angkor và các hệ thống kênh đào phức tạp từng nuôi dưỡng thành phố. Theo kết quả các cuộc nghiên cứu về đất, nhiều kênh đào từng ngập vôi đá vỡ từ những trận lũ lụt đột ngột. Và hiện các nhà nghiên cứu đã có ý tưởng sáng tỏ hơn nhiều về việc khi nào và tại sao điều đó lại xảy ra.
Những suy nghĩ từ góc độ Lời Chúa.
Hai trung tâm nổi tiếng nói trên trong số những nền văn minh đã bị sụp đổ và biến mất khiến chúng ta thấy rõ rằng các thần tượng mà người thời đó thờ lạy đã không thể giúp được gì cho họ. Cho dù đó có là các thần tượng thích uống máu người của Maya, hoặc các tượng phật của Angkor Wat.
Thực tế, nếu để ý các câu chuyện tương tự đã xảy ra ở các nơi khác, có thể nhận thấy mối liên quan trực tiếp giữa sự thờ lạy thần tượng quá phát triển ở những nơi đó và sự sụp đổ của họ. Những nền văn minh đã từng cực thịnh nhưng kiêu ngạo tưởng rằng đó chính là nhờ thần tượng của mình làm ra, mà không tôn vinh chính Đức Chúa Trời chí cao, đã khiến cơn giận từ Trời giáng xuống trên chính mình họ. Thiên tai – nghĩa là tai họa từ trời, trong hai trường hợp nói trên là hạn hán, đã xóa sạch những đền đài thần tượng và mọi kẻ thờ lạy ở đó vào dĩ vãng không còn ai biết đến họ là ai nữa.
Mưa nắng phải thì chính là ơn Chúa Trời ban cho loài người trên đất, nhưng nếu con người coi khinh ơn trời mãi, thì một lúc nào đó họ sẽ được dạy cho một bài học ai mới là Đấng nắm trong tay quyền phép tối cao! Điều đó làm tôi liên tưởng đến những lời Chúa răn bảo dân Ngài:
Phục truyền 28:20-24
20 Vì cớ ngươi làm điều ác, và lìa bỏ Đức Giê-hô-va, nên trong mọi công việc ngươi bắt tay làm, Ngài sẽ khiến giáng cho ngươi sự rủa sả, kinh khủng, và hăm dọa cho đến chừng nào ngươi bị hủy diệt và chết mất vội vàng. 21 Đức Giê-hô-va sẽ khiến ôn dịch đeo đuổi ngươi cho đến chừng nào nó diệt ngươi mất khỏi đất mà ngươi sẽ vào nhận lấy. 22 Đức Giê-hô-va sẽ lấy bịnh lao, bịnh nóng lạnh, bịnh phù, sự nắng cháy, sự hạn hán, binh đao, và sâu lúa mà hành hại ngươi, khiến cho các nỗi đó đuổi theo ngươi cho đến khi ngươi bị chết mất. 23 Các từng trời ở trên đầu ngươi sẽ như đồng, và đất dưới chân ngươi sẽ như sắt. 24 Thay vì mưa, Đức Giê-hô-va sẽ khiến cát và bụi từ trời sa xuống trên đất ngươi, cho đến chừng nào ngươi bị hủy diệt.
Như vậy, nếu thần tượng chiếm chỗ trong lòng con người khiến họ lìa khỏi Chúa, họ sẽ lấy vinh hiển mà lẽ ra phải dâng cho Đức Chúa Trời đem cho kẻ ác. Trường hợp đã xảy ra với các nền văn minh kia cho thấy, họ đã đi quá xa đến mức cơn giận từ trởi giáng xuống hủy diệt họ. Hãy nhìn gương họ để giữ mình và cầu nguyện cho dân tộc mình vì sự thờ cúng thần tượng sẽ phá hủy đời sống mỗi gia đình và chung cả đất nước.
Đây là sự lầm lạc con người thường mắc, thậm chí cả những người đã tin nhận Chúa. Vì vậy Lời Chúa thường xuyên được nhắc trong Hội thánh cho anh chị em, hãy giữ mình khỏi sự thờ thần tượng (1 Giăng 5:21)! Hay là chúng ta muốn trêu lòng Chúa ghen, chúng ta há mạnh hơn Ngài sao? (1 Cor. 10:22)
Ms Quốc Hùng - Hội thánh Tin lành Mátxcơva