Cần kiệm hay rời rộng?

Thế gian hỏi chúng ta có bao nhiêu tiền; Đấng Christ hỏi chúng ta sử dụng nó như thế nào...




“Không có gì để thử nghiệm tình yêu của chúng ta đối với Đấng Christ hay đối với kẻ khác một cách thực tiễn hơn là thái độ chúng ta đối với tiền bạc và của cải chúng ta. Cũng không có gì thử nghiệm những lời rêu rao được giải thoát khỏi cái thế giới gian ác này tốt hơn chúng. Thái độ của người chưa tin Chúa đối với tiền bạc thật quá phổ biến nên ai cũng biết rõ. 

Thế gian hỏi chúng ta có bao nhiêu tiền; Đấng Christ hỏi chúng ta sử dụng nó như thế nào. Thế gian nghĩ nhiều hơn đến việc làm cho ra tiền; Đấng Christ nghĩ nhiều hơn đến cách ban phát nó. Thế gian hỏi chúng ta cho gì; Đấng Christ hỏi chúng ta cho như thế nào. Thế gian nghĩ đến số tiền; Đấng Christ nghĩ đến động cơ thúc đẩy chúng ta ban cho. Người ta hỏi chúng ta cho bao nhiêu; Kinh Thánh hỏi chúng ta giữ lại bao nhiêu. Đối với người chưa tin Chúa, tiền bạc là một phương tiện được thoả mãn; đối với người tín đồ, nó là một phương tiện để an ủi; đối với người thứ nhất, nó là một cơ hội để mua sắm tiện nghi, đối với người thứ hai, nó là một cơ hội để cung hiến”. 
(Fred Mitchell, nhà hoá học của Bradford và là một cấp lãnh đạo Cơ Đốc giáo).

Kiêng khem hay hoang phí?

Ngày kia, trong vườn Bách thú Whipsnade, có một đám thanh niên đang bàn chuyện giải khát, và họ quyết định sẽ mua kem. Nhưng có một cậu không bằng lòng. Theo điều cậu ta giải thích về sau, thì cậu nghĩ rằng chúng ta phải quản trị tiền bạc và chi tiêu càng ít cho chúng ta càng tốt, ăn kem là tỏ ra quá dễ dãi với mình và chính là một xa xỉ. “Tôi là một tín đồ tốt hơn tất cả những người kia, những người vẫn còn nghĩ đến việc sử dụng tiền bạc vào một mục đích trần gian. Thật là xấu hổ vì họ không thấy là những nhu cầu của mình trong các vấn đề như thế cũng phải theo kỷ luật”. 

Có lẽ đối với phần đông chúng ta thì điều đó đúng, nhưng đi chung với họ có một ông thánh cao tuổi, một giáo sĩ hồi hương, một giáo sư dạy Kinh Thánh khả kính; ông già đã đứng đó với chiếc nón rộng vành của các tu sĩ lật ngược ra phía sau, đang liếm phần kem còn lại trên mảnh giấy, dầu có vẻ không mấy đứng đắn, nhưng rõ ràng là rất thích thú. Phải chăng ông cũng là một tín đồ phàm tục, vô kỷ luật? Chúng ta biết là không phải vậy, cũng biết là ở nhà, ông đã sống thanh đạm và để dành được một ít tiền mỗi ngày. Nhưng ông đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã cho chúng ta hưởng thụ rất nhiều điều (ITi 6:17) và cũng như các sứ đồ đầu tiên, ông đang ăn với một tấm lòng vui mừng, hoan hỉ.

Thật là khó xác định thế nào là vừa phải, quân bình. Quyết định tự khép mình vào kỷ luật của chúng ta có thể đưa chúng ta đến chỗ bủn xỉn, hằn học với người khác khi phải mở túi tiền, đếm từng cắc bạc, nắm bàn tay lại, keo kiệt, không rộng rãi bố thí. Mặt khác, khi ý thức về sự tự do của người tín đồ Đấng Christ, ý thức về sự giàu có của Chúa trên trời hay nhu cầu phải rộng rãi đãi khách, chúng ta có thể phung phí quá đáng, khoe khoang, hay âm thầm quá dễ dãi với mình khi làm ra vẻ rộng rãi. Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những động cơ thúc đẩy thuần khiết, những tấm lòng vui mừng, tự do nhưng biết thận trọng để chúng ta ban phát và tiếp tục ban phát, vì “ban cho thì có phuớc hơn là nhận lãnh” (Côngvụ 20:35).

Người quản lý

Đây là một bức tranh rất lạ lùng mô tả người tín đồ Đấng Christ và trách nhiệm của người ấy. Chúa đã giao cho chúng ta một số của cải để chúc phước cho cả nhà nói chung, lẽ dĩ nhiên là gồm cả các nhu cầu riêng của chúng ta. Chúng ta phải vì Ngài mà sử dụng nó cho người khác. Họ là tài sản thuộc về Ngài và chúng ta phải trả lời cho Ngài về cách thức chúng ta phân phát của cải ấy. Nếu chúng ta tỏ ra vô lý, phung phí cho riêng chúng ta và keo kiệt với người khác, thì chúng ta sẽ phải tính sổ với Chủ khi Ngài trở lại (Lu 12:42-48; 16:1, 2). Chúng ta có thể kể ra các nhiệm vụ sau đây của người quản lý:

1. Được Chủ giao của cải cho.
2. Phải dùng của cải đó cho việc nhà.
3. Chính người ấy cũng phải được cung ứng, nhưng không phải do những người kia đài thọ.
4. Phải thận trọng và dự định số chi, đừng tiêu trong một ngày số phải dùng cho cả tháng. Cũng không được giữ lại số tiền phải xuất.
5. Phải tính sổ về cách sử dụng của cải của Chủ.

Chắc ai cũng biết một người tín đồ làm tròn chức vụ quản lý của mình là người như thế nào. Nếu bạn đến thăm viếng họ, bạn sẽ ra đi với một quyển sách mà họ nghĩ rằng bạn rất thích và rất có ích cho bạn. Bạn sẽ được một sự giúp đỡ, bởi vì họ biết rằng trong gia đình bạn đang có nhiều người đau và số tiền ấy sẽ giúp ích được cho bạn. Nếu họ có rỗi rảnh một buổi chiều, họ liền nghĩ rằng chắc bạn sẽ cần họ giúp bạn trông chừng con cái để vợ chồng bạn có thể đi dạo một vòng. Họ nghĩ không biết con trai bạn có muốn đi cắm trại chung để làm bạn với con trai họ không.

Đó là những quản gia trung tín của Chúa mà lòng thương yêu và rộng rãi đã cùng với của cải họ đem sự ngọt ngào và vui mừng đến cho kẻ khác. Dường như họ luôn luôn nghĩ đến người khác cũng như mọi nhu cầu và hoàn cảnh của những người đó: họ có thể làm gì để giúp những người kia? Nhà họ luôn luôn mở rộng cho kẻ không nhà, tai họ luôn luôn mở rộng để nghe những người khốn khó là người muốn có một ai đó sẵn sàng chia sẻ sự khốn khó của mình, bàn ăn của họ luôn luôn sẵn sàng để mời thêm một người, xe của họ luôn luôn khởi hành rất sớm và trên đường đến nhà thờ, vẫn dành chỗ cho người đau yếu hay già cả để sau đó, lại đưa họ trở về nhà. Đó là ý nghĩa về thế nào là một người quản lý.

Các học sinh, sinh viên thường có ít hơn người khác về của cải trần gian để có thể bố thí rời rộng, và có lẽ thường thường thì vấn đề là vui lòng cho mượn chớ không phải là ban phát rời rộng. “Chớ từ chối làm lành cho kẻ nào xứng đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy. Nếu con có vật kẻ lân cận cầu xin, thì chớ nói với người rằng: Hãy đi và trở lại, ngày mai ta sẽ cho” (Châm ngôn 3:27, 28). Đừng nên có thái độ bo bo giữ của, giữ những vật mình có và không chịu cho người khác mượn sách vở hay những vật tương tự. 

Chúng ta càng không nên giữ của vì sợ rằng người mượn sẽ không trả lại sớm hay những đồ đạc cho mượn sẽ không còn nguyên. Ở vị trí của mình, người học sinh, sinh viên vẫn có thể có nhiều cách để bày tỏ lòng rộng rãi. Tôi không bao giờ quên được lần đi thăm viếng một vùng quê rất nghèo nàn về phương diện vật chất, đã cảm động đến ứa nước mắt vì lòng rộng rãi của một số học sinh, sinh viên khi họ tặng mình những quà tiễn đưa dành cho du khách, có thể là một tấm thiệp nhỏ để kỷ niệm tự tay họ vẽ ra, tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng đã chứng tỏ được tình thương yêu và huynh đệ trong Đấng Christ.

Lẽ dĩ nhiên là còn có nhiều thái độ khác nữa. Một số trong chúng ta đáng phải run sợ chỉ vì mình luôn luôn là kẻ nhận lãnh mà rất ít khi ban cho. Chúng ta dường như không nghĩ về điều đó trước khi đã quá muộn. Chúng ta ít nghĩ đến những người khác trong nhà, bởi vì chúng ta thường quá bận rộn với những việc riêng của mình. Có một số người không muốn làm kẻ ban cho, cũng không muốn làm người nhận lãnh. “Chúng tôi không muốn mắc nợ ai hết; chúng tôi không muốn làm phiền ai, cũng không muốn ai làm phiền chúng tôi”. 

Tiền bạc thì vẫn được gởi vào ngân hàng và không được dùng đến cho tới khi chúng ta muốn mua một chiếc ô-tô lớn. Các ngăn tủ thì đầy của cải, đồ vật mà ít khi ta dùng đến, các phòng ngủ dành tiếp khách thì vẫn đẹp đẽ không chê vào đâu được, đồ vật trang hoàng thì luôn luôn bóng loáng, sạch sẽ bởi vì không có một đứa trẻ con nào hơi mạnh tay mạnh chân lại được phép xáo trộn vẻ đẹp trầm lặng trong nhà! Tiền bạc không được dùng đến thật vô ích biết bao, của cải không đá động đến, thật vô nghĩa biết bao! Xin Chúa ban ơn để chúng ta biết làm những quản gia xứng đáng cho Ngài.

Sự ban tặng có phương pháp

Bởi vì chúng ta rất dễ đổi ý, cho nên thiết tưởng điều quan trọng là phải đặt nền tảng thường hơn hễ khi thấy có cơ hội tốt mà thôi. Hãy nhất định một tỷ lệ nào đó. Vì đối với người quá nghèo thì dường như một phần mười đã là quá nhiều (mà thường thường thì chính những người đáng thương đó lại dâng nhiều tiền. Các hội truyền giáo thường nhận được tặng phẩm của những người cao tuổi, dường như đó không phải là những số tiền lớn, những tặng vật đắt giá, nhưng thường thường biểu lộ một thái độ dành dụm, tiết kiệm). Nhưng đối với người giàu có thì một phần mười lại là quá ít. 

Tất cả chúng ta đều nên kiểm điểm lại tiền dâng của mình. Phải chăng nếu tôi dâng số đó thì cũng không thấy thiếu thốn gì hết? Phải chăng nó không hề làm giảm bớt những số tiền chi tiêu khác của tôi chút nào? Nếu thế, xin chúng ta cầu nguyện để nhờ Chúa tăng số tiền dâng lên. Nếu 20% không làm thiệt hại cho chúng ta bao nhiêu, hãy thêm chút nữa để xem mình có thể dâng đến bao nhiêu, nhưng nhớ là đừng nói cho một người nào khác biết.

Rõ ràng là tỷ lệ nhất định đó còn tuỳ thuộc vào số tiền thuế, vào các nhiệm vụ khác... Người độc thân, không có gánh nặng gia đình, không phải cấp dưỡng cho thân nhân, thì có thể dâng nhiều. Một học sinh hay sinh viên không làm gì ra tiền, nhưng được học bổng của chính phủ hay được trợ cấp của gia đình, thì đứng vào một địa vị khác hẳn với một người đi làm và có tiền lương. Những số chúng ta dâng cho Chúa có thể là tiền lương, tiền làm công, tiền lời, học bổng, tiền người khác cho, tiền túi…

Tags: ,

About author

Hy vọng các bạn ủng hộ cho blog Fishers Of Men và những đóng góp của các bạn trong các bài đăng có thể để vào phần comment phía dưới mỗi bài đăng. Xin chân thành cảm ơn các bạn. Chúa ban phước cho các bạn.

Nhập email của bạn:

*Xin vui lòng bấm vào liên kết xác nhận gửi trong thư mục Thư rác của Email*

0 Comments

Leave a Reply